Đăng ngày: 05/04/2023 - 3:45:41 PM | Lượt xem: 246
Kế hoạch Tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Thực hiện Công văn số 5020-CV/BTGTW, ngày 21/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1627-CV/VPTU ngày 27/3/2023 “Về việc tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tôn vinh, giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh người đọc, người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
- Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Hưng Yên.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo tổ chức đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa tham gia tài trợ, tổ chức các hoạt động về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam
- Thường xuyên phát động và tổ chức phong trào đọc sách tại cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư.
- Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được phát động và tổ chức ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, trường học với các hoạt động phong phú, đa dạng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.
II. NỘI DUNG
1. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, đầu tư nguồn nhân lực văn hóa, trong đó có phát triển văn hóa đọc, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 04/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; thiết thực triển khai kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
2. Nghiên cứu, tổ chức các hình thức như: đường sách, phố sách, công viên sách, tủ sách gia đình, tủ sách cơ quan, trường học, tủ sách cộng đồng; Tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc theo từng chủ đề...trở thành điểm nhấn trong quy hoạch phát triển văn hóa tại địa phương, địa bàn để hình thành những trung tâm về sách, không gian văn hóa sách; xây dựng lồng ghép các hoạt động quảng bá văn hóa đọc với các hoạt động văn hóa của đất nước, tỉnh, địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy những mô hình, không gian văn hóa nhằm thu hút, truyền cảm hứng, thúc đẩy cá nhân, gia đình, cộng đồng đến với sách; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, trở thành nhu cầu tự thân của quần chúng, nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng lâu dài, bền vững. Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam cần được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung cao điểm vào dịp 21/4 hằng năm. Nghiên cứu, ban hành một số khẩu hiệu tuyên truyền cho Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với các chủ đề phù hợp.
3. Tăng cường vận động sáng tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn của các loại sách đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc giả khác; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn nữa việc đầu tư phát triển, quảng bá, thúc đẩy xuất bản; khai thác, sử dụng xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.
4. Phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống; xây dựng, tổ chức, phát động, triển khai sôi nổi các phong trào đọc và làm theo sách, mang giá trị của sách đến với người đọc, đặc biệt đẩy mạnh công tác tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.
5. Tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, giới thiệu sách; khuyến khích các giải thưởng gắn với phong trào đọc; phát huy vai trò của hệ thống các thư viện trường học, thư viên tỉnh; chú trọng địa bàn nông thôn, vùng có điều kiện khó khăn, nhăm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, hiệu quả.
6. Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí, căn cứ tôn chỉ, mục đích, mở các chuyên trang, chuyên mục, sử dụng nhiều nền tảng truyền thông giới thiệu các mô hình, tổ chức, cá nhân điển hình trong phát triển văn hóa đọc; quảng bá, giới thiệu các xuất bản phẩm hay, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao với hình thức trình bày mới mẻ, sinh động, sáng tạo phù hợp với tâm lý, nhu cầu, đối tượng độc giả, có sức lan tỏa, khuyến khích công chúng hưởng ứng, chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện do ngành quản lý.
- Tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc theo từng chủ đề, nhân rộng mô hình: Tủ sách gia đình; tủ sách dòng họ; tủ sách cơ quan, trường học, lớp học; tủ sách cộng đồng; hướng dẫn kỹ năng đọc sách.
- Tuyên truyền, giới thiệu sách, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng đọc sách, chọn sách phù hợp tại hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong hệ thống trường học, nhân rộng mô hình tủ sách trường học, lớp học, tập trung tại các địa bàn vùng nông thôn.
- Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; xây dựng các loại hình thư viện; tổ chức các hội thi về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.
- Phát động, tổ chức phong trào quyên góp sách, hỗ trợ các thư viện vùng nông thôn.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền, đưa tin về sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
- Chỉ đạo hệ thống các cơ sở phát hành sách trên địa bàn tỉnh tham gia hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
Chỉ đạo tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên và Nhân dân.
5. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình Hưng Yên
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đưa tin các sự kiện về hoạt động của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; xây dựng các chuyên mục về sách; giới thiệu các mô hình và tổ chức, cá nhân điển hình trong việc phát triển văn hóa đọc.
- Tập trung tuyên truyền và phổ biến Quyết định số 1862/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuỗi các hoạt động của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại tỉnh năm 2023.
6. Hội Nhà báo tỉnh; Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh
- Tăng cường vận động sáng tác nhiều tác phẩm văn học, báo chí có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn của các loại sách đáp ứng nhu cầu của đối tượng độc giả khác nhau.
- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn nữa đầu tư phát triển, quảng bá, thúc đẩy xuất bản.
- Khai thác, sử dụng xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sực lan tỏa rộng và nhanh hơn.
7. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy
Xây dựng kế hoạch tổ chức và tuyên truyền Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tổ chức các hoạt động cụ thể hình thành thói quen đọc sách thường xuyên, trở thành nhu cầu tự thân của quần chúng, nhằm phát triển văn hóa đọc tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.